Những điểm tham quan Phan Thiết

THẮNG CẢNH PHAN THIẾT

Nằm cách Thành Phố Hồ Chí Minh 198 km. Được thành lập ngày 20/10/1898, nằm dọc theo hai bên bờ sông Mương Mán hay còn gọi là sông Cà Ty (một chi lưu của dòng sông Đồng Nai). Phan Thiết được nâng cấp từ thị xã lên thành phố cấp III trực thuộc tỉnh Bình Thuận vào ngày 25/08/1999 với diện tích 20.586

Dân số thành phố Phan Thiết hiện nay trên 200 ngàn người. Thành phố Phan Thiết có cảnh quan rất thơ mộng. Giữa thành phố có 3 chiếc cầu nằm vắt ngang. Bên tả ngạn có tháp nước được xây dựng năm 1934 -1935 với kiến trúc đẹp, cao trên 30 m, đường nét hài hoà, gần gũi với tháp chùa, đình của dân tộc Việt. Nhưng đáng thưởng ngoạn nhất là phong cảnh dọc theo bờ biển từ Mũi Kê Gà giáp Hàm Thuận Nam đến Hòn Rơm – Mũi Né. Giữa hai màu xanh nước biếc của biển và xanh non của lá cây xen kẻ những đụn cát trắng phau hay những vách đồi đỏ rực thường thay đổi độ đậm nhạt theo ánh nắng, theo thời gian trong ngày. Khi nước triều lên, sóng vờn lên những ghềnh đá rì rầm, nhấp nhô những rặng dừa như trường ra biển. Nói đến Phan Thiết là nói đến một vùng biển trời non nước thơ mộng, sóng vỗ dạt dào và gió mát miên man, những ai đã từng đến đây không thể không mang theo những ấn tượng đẹp vể sự hiền hòa,đáng yêu của thiên nhiên kiến tạo.

Mũi Né:

Mũi Né là tên một mũi biển, một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết. Ngày nay, Mũi Né là một phường của thành phố Phan Thiết và đang hình thành đề án nâng cấp thành thị xã của tỉnh Bình Thuận.

Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ mênh mông như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo ẩn mình dưới bóng dừa râm mát, bỗng chỉ trong vài năm gần đây Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort. Theo ước tính, Mũi Né chiếm hơn 70% số lượng resort của Việt Nam và nghiễm nhiên trở thành “thủ đô resort”

Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển này bởi con đường Nguyễn Đình Chiểu – huyết lộ duy nhất này được coi là tuyến trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận.

Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. “Mũi” là cái mũi đất đưa ra biển; “Né” có nghĩa là để né tránh. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu trắng của cát, màu vàng óng của nắng và màu xanh thẳm của biển tạo cảm giác ấm áp và trong lành, thu hút rất nhiều du khách.

Núi Tà Cú:

Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh kỳ thú và là một điểm leo núi hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận.

Quanh năm không khí ở Tà Cú trong lành, mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22oC. Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc… rất tốt cho những người bệnh gan hoặc bệnh ngoài da.

Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm, du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc cheo leo, khúc khuỷu với những bậc đá có từ vài chục năm trước. Dọc ngang lối đi vô số những thân, rễ cây bò xuôi ngược. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45o. Du khách sẽ rất vất vả để leo qua đoạn đường này, nhưng bù lại có thể ngắm nhìn những thân bằng lăng cổ thụ rải đầy hoa tím lẫn với một loài hoa cánh trắng mảnh mai, trôi dạt trên dòng nước chảy men theo sườn núi. Cách đỉnh 1.250 m, đường đi đã dễ dàng hơn. Lúc này du khách có thể chiêm ngưỡng trời xanh thoắt ẩn thoắt hiện qua tán rừng và thung lũng mờ ảo qua màn sương bên dưới. Khi lên tới đỉnh, thiên nhiên trên núi Tà Cú đã không phụ lòng người, đẹp như cõi bồng lai. Tà Cú có phong cảnh hữu tình với những phiến đã muôn hình vạn trạng, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng khí hậu trong lành, thanh tịnh như chốn thần tiên. Hoặc du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin “bay” theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.

Nằm ở độ cao 563m (chưa tới đỉnh) là hai ngôi chùa: chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ) và chùa Dưới (Long Đoàn), cùng bậc thang đá cao và những ngọn tháp. Ở đây có bức tượng Phật Thích Ca nằm, làm bằng bê tông, quét vôi trắng dài 49 m nằm giữa bốn bề là núi non trùng điệp, xa xa là biển xanh. Đây là bức tượng lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn tượng Phật nằm dài 45m trong chùa Wat Po ở Bangkok – thủ đô Thái Lan.

Tháp Poshanư:

Tháp Poshanư, nằm về hướng Đông Bắc cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km. Cụm tháp tọa lạc trên đồi Ông Hoàng, do người Chăm xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva, vị Thần được người Chăm tôn sùng.

Ngoài ba tháp , ở đây còn có đền thờ, nhưng đã bị vùi lấp trong lòng đất suốt 300 năm. Trong lòng ngôi tháp chính còn bệ thờ Linga-Yoni, một biểu tượng sinh tồn của Thần Shiva.

Suối Tiên:

Suối Tiên là một thắng cảnh thiên nhiên “Sơn Thủy” hùng vĩ. Với môi trường nguyên sơ, trong lành chưa có bàn tay của con người tác động. Bên cạnh con suối nhỏ, nước trong vắt nhìn thấy tận đáy là dãy núi sừng sững với sắc màu trắng, đỏ pha trộn của đất và cát, tạo nên những hang động, mỏm núi nhấp nhô độc đáo và lạ mắt.

Đây là điểm tham quan dã ngoại lý tưởng cho khách du lịch. Cảnh quan này, nằm trên đường đi Mũi Né cách Phan Thiết khoảng 15 km theo hướng Đông Bắc.

Đồi Hồng:

Đồi Hồng, nằm gần cồn cát Mũi Né, thuộc phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, một thắng cảnh do thiên nhiên tạo nên.

Đó là những đồi cát đỏ, trong quá trình bị xói mòn tạo thành những hình thù kỳ thú.

Thắng cảnh Bàu Trắng

Bàu Trắng là một thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận, thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết 65 km về phía Đông Bắc.

Bàu Trắng là một hồ nước ngọt, hình thành từ lâu đời, nằm giữa vùng đồi cát mênh mông. Bàu Trắng được ngăn đôi bởi một đồi cát. Từ xưa nhân dân quen gọi là Bàu Ông, Bàu Bà, Bàu Trắng khá rộng, nơi sâu nhất 19m, quanh bờ có nhiều sen mọc.

BÃI BIỂN ĐỒI DƯƠNG

Đây là bãi biển đẹp của Phan Thiết, đường rẻ vào Bãi Đồi Dương là Đường Nguyễn Tất Thành, mới được thành lập từ khi tách tỉnh. Trên đường này nhiều cơ quan đầu não của tỉnh Bình Thuận. Cuối đường Nguyễn Tất Thành, phía trái là sân Golf Phan Thiết. Và rẽ tiếp, phía phải cặp bãi biển là Khách Sạn Vĩnh Thủy tiêu chuẩn 4 sao.

LẦU ÔNG HOÀNG

Được xây dựng trên đồi Bà Nài ở độ cao 40 m so với mặt nước biển. Đứng trên đồi ta có thể nhìn thấy toàn cảnh bãi trước Phan Thiết. Lầu Ông Hoàng được xây dựng năm 1911, chủ nhân của Lầu Ông Hoàng là công tước người Pháp tên De Montpensier. Người dân trong vùng gọi ngôi biệt thự này theo kiểu của họ là Lầu, chủ nhân của lâu đài này thuộc dòng dõi quý tộc, nên gọi là Lầu Ông Hoàng. Năm 1917, lầu được bán cho một chủ mới là người Aâu tênø Frassetts dùng làm khách sạn. Năm 1923, chính phủ bảo hộ mua lại với giá 30.000 Franc, dùng làm nơi nghỉ mát của các quan chức Pháp ở Trung Kì. Tháng 07/1933 toàn quyền Pháp: Pasquier chính thức trao tặng cho vua Bảo Đại. Từ đó lầu Ông Hoàng mới có nhiều người đến tham quan, nghỉ dưỡng, cắm trại. Năm 1936, nhà thơ Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm đã từng đến Lầu Ông Hoàng ngắm trăng. Năm 1946, thực dân Pháp trở lại Việt Nam và lấy Lầu Ông Hoàng để đóng đồn 1947

Bộ đội Phan Thiết đã tổ chức trận tập kích nổi tiếng chiếm Lầu Ông Hoàng. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa, Lầu Ông Hoàng thật sự là nơi đồn bót bất khả xâm phạm, và cảnh quan ở đây cũng thay đổi hẳn.

HÀN MẶC TỬ

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh năm 1912 tại Đồng Hới (Quảng Bình), theo gia đình sống ở Quy Nhơn, năm 19 tuổi nổi tiếng làm thơ hay, đặc biệt có nhiều bài được cụ Phan Bội Châu xướng họa. Năm 23 tuổi vào Sài Gòn, làm thư ký và tham gia viết báo Tân Phong. Năm 1936 cùng Mộng Cầm đến Lầu Ông Hoàng ngắm trăng, trong thời gian này ông biết mình bị bệnh phong, sau đó Ông đã trở về Quy Nhơn, trốn tránh mọi người, cuối năm 1939 ông vào trị bệnh tại trại phong Quy Hòa (Qui Nhơn). Ông mất năm 1940, an táng tại Quy Hòa, sau đó gia đình đem về chôn trên ngọn đồi cạnh bãi biển Gành Ráng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *